Công nghiệp xanh là ưu tiên hàng đầu
“Chuyển đổi xanh không còn là xu thế, mà là yêu cầu bắt buộc; không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là cơ hội để tỉnh Vĩnh Phúc nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng hình ảnh một địa phương hiện đại, bền vững”, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông nhấn mạnh. Chủ tịch Trần Duy Đông cũng cho hay “Phát triển công nghiệp xanh, phát triển các khu công nghiệp (KCN) sinh thái đáp ứng tiêu chuẩn bền vững luôn được tỉnh quan tâm đặc biệt và ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.

Trên địa bàn tỉnhtrên địa bàn tỉnh đã có 29 KCN được quy hoạch, trong đó có 17 KCN được thành lập với tổng diện tích là 3.146 ha. Đến cuối tháng 5/2026 đã có đó 9 KCN đã đi vào hoạt động hiệu quả, tỷ lệ lấp đầy cao. Ở các KCN như Khai Quang, Bình Xuyên, Thăng Long Vĩnh Phúc… đã lấp đầy hơn 90%... Các KCN ở Vĩnh Phúc được quy hoạch bài bản, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật hiện đại và có kết nối giao thông thuận lợi tới các tuyến quốc lộ, cao tốc Hà Nội - Lào Cai, sân bay Nội Bài.
Với các KCN được xây dựng bài bản, với tinh thần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất, Vĩnh Phúc vẫn luôn là địa phương có nhiều lợi thế được các nhà đầu tư quan tâm, xác định là địa điểm đầu tư tốt, an toàn.
Nhiều nhà đầu tư lớn thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ có nền công nghiệp tiên tiến đã vào đầu tư tại các KCN Vĩnh Phúc như: Honda, Toyota, Piaggio (Italia), HonHai và Compal (Đài Loan), Daewoo (Hàn Quốc), Sumitomo (Nhật Bản). Nhiều nhà đầu tư Âu, Mỹ cũng đang coi Vĩnh Phúc là điểm đầu tư hấp dẫn.
Tính đến ngày 15/5, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 1.329 dự án đầu tư, trong đó có 487 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn hơn 8,6 tỷ USD và 842 dự án vốn đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn gần 148 nghìn tỷ đồng.

Định hướng của Vĩnh Phúc là ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tỉnh đã chủ động rà soát, sắp xếp lại quy hoạch KCN, cụm công nghiệp, chọn lọc trong thu hút đầu tư cùng với định hướng thu hút đầu tư xanh.
Tỉnh cũng tập trung đồng hành cùng các doanh nghiệp đầu chuỗi, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để đưa ra các giải pháp phát triển xanh, bền vững như: Hỗ trợ dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc định hướng dự án trở thành cảng cạn đạt mức phát thải ròng bằng 0 đầu tiên của châu Á vào năm 2040. Thành lập Tổ công tác giữa tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty Honda Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các giải pháp giảm thiểu phát thải ra môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất.
Tiên phong xanh hóa công nghiệp
Và các KCN ở Vĩnh Phúc đã thu hút được nhiều dự án có công nghệ hiện đại, thương hiệu nổi tiếng toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tối ưu hóa quy trình sản xuất, chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh, tiết kiệm. Ông Kenta Kawanabe, Tổng Giám đốc Công ty TNHH KCN Thăng Long Vĩnh Phúc cho biết KCN Thăng Long Vĩnh Phúc do Tập đoàn Sumitomo làm chủ đầu tư. Đây là KCN kiểu mẫu nhằm thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Hệ thống cây xanh, thảm cỏ, cây cảnh, hồ nước và đường giao thông... chiếm tới 20% diện tích KCN. KCN đã thu hút được các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao của Tập đoàn Toto, Daiwa, Tsuchiya...

Bà Nguyễn Phương Nga- Phó TGĐ CNC Tech Group chia sẻ: ”Tầm nhìn của CNCTech là dẫn đầu hệ sinh thái công nghiệp xanh, thông minh. Chuyển đổi xanh là điều kiện bắt buộc để phát triển bền vững và là xu thế tất yếu của thời đại. Hướng tới sự phát triển xanh và bền vững”.
Tại Vĩnh Phúc CNCTech phát triển các KCN xanh, thông minh, như KCN Green Park (Nam Bình Xuyên) với quy hoạch đồng bộ, hiện đại, ứng dụng các công nghệ tiên tiến để giảm thiểu tác động đến môi trường, cung cấp một môi trường làm việc xanh, sạch, an toàn cho người lao động, tạo lập một cộng đồng doanh nghiệp năng động, sáng tạo và hỗ trợ lẫn nhau.
Định hướng của Vĩnh Phúc là phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, chuyển đổi năng lượng xanh. Vĩnh Phúc đang phát triển hành lang công nghiệp xanh, hiện đại hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững, thân thiện với môi trường. Việc đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sạch, tái chế chất thải là minh chứng rõ rệt cho tư duy phát triển bền vững của địa phương.
Các nhà đầu tư đến với Vĩnh Phúc không chỉ được hỗ trợ tối đa về thủ tục hành chính mà còn được khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp), bảo đảm sự phát triển dài hạn.
Vĩnh Phúc đã chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế nhằm xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn KCN sinh thái góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành địa phương tiên phong trong “xanh hóa” ngành công nghiệp, thực hiện cam kết giảm phát thải ròng của Việt Nam.
Với chiến lược quy hoạch thông minh, ưu tiên chất lượng dự án và cam kết mạnh mẽ trong bảo vệ môi trường, Vĩnh Phúc đang từng bước phấn đấu trở thành hình mẫu phát triển công nghiệp xanh, hiện đại của miền Bắc - đây không chỉ là động lực phát triển kinh tế địa phương, mà còn là hướng đi phù hợp với xu thế toàn cầu về phát triển bền vững.
Vĩnh Phúc đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi mô hình từ các KCN truyền thống sang KCN sinh thái, phát triển KCN công nghệ cao, thu hút các dự án có công nghệ sản xuất xanh, thân thiện môi trường; tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành liên kết, hình thành cụm ngành và chuỗi giá trị cộng sinh công nghiệp.
Lãnh đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, bên cạnh xây dựng các KCN mới theo hướng xanh, bền vững, Vĩnh Phúc đã thực hiện kế hoạch chỉnh trang các KCN cũ theo hướng xanh. Các chủ đầu tư, doanh nghiệp trong mỗi KCN cũng xác định rõ tầm quan trọng trong việc xây dựng lá phổi xanh tại các KCN nên cũng đã có nhiều hành động thiết thực.
Mục tiêu của Vĩnh Phúc là đến năm 2030, hình thành hành lang công nghiệp sinh thái kết nối các địa phương Vĩnh Yên - Bình Xuyên - Tam Dương, với các KCN thế hệ mới được tích hợp hạ tầng dùng chung, năng lượng tái tạo và mô hình tuần hoàn chất thải.