Tổng Bí thư Tô Lâm: Hợp nhất Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình là bước đi tất yếu

Admin

Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Lê Minh Hưng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Duy Ngọc, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an. Cùng dự còn có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Hoài Trung; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo ba tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quân khu 3.

tong-bi-thu-to-lam-1.jpgTổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình - Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo tại buổi làm việc, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ba tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình đã nỗ lực phấn đấu, thể hiện quyết tâm chính trị cao, hành động linh hoạt, sáng tạo và đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của ba tỉnh duy trì ở mức cao và ổn định. Giai đoạn 2020–2024, GRDP của Hà Nam tăng trưởng bình quân 10,26%, Ninh Bình 8,03%, Nam Định 9,55%. Riêng 6 tháng đầu năm 2025, cả ba địa phương đều có mức tăng trưởng trên 10% (Hà Nam đạt 10,61%; Ninh Bình 10,02%; Nam Định 10,93%).

Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả quan trọng, cả ba tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo tại ba địa phương hiện chỉ còn dưới 1%, mỗi năm tạo thêm hàng chục nghìn việc làm mới. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo Tết cho người nghèo, người có công với cách mạng được thực hiện chu đáo, thực chất. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường tiếp tục được chú trọng và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, quốc phòng – an ninh được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ba tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu, xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm bám sát chỉ đạo của Trung ương, thực hiện đúng nguyên tắc, tiêu chí khi sáp nhập; trong đó đặc biệt chú trọng tiêu chuẩn diện tích để bảo đảm không gian phát triển trong tương lai. Tính đến ngày 29/5/2025, cả ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình đã hoàn thiện hồ sơ, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã trình Chính phủ theo quy định. Sau khi sắp xếp, tỉnh Ninh Bình mới sẽ có 129 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 269 đơn vị so với hiện nay.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc hợp nhất ba tỉnh Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình là bước đi có tính tất yếu trong bối cảnh yêu cầu đổi mới mô hình phát triển và nâng cao hiệu quả quản trị vùng đang ngày càng cấp bách. Theo Tổng Bí thư, một không gian phát triển thống nhất sẽ được hình thành, trong đó tiềm năng, lợi thế của từng địa phương không chỉ được phát huy riêng rẽ mà còn được tích hợp, bổ trợ và lan tỏa, tạo thành động lực phát triển mạnh mẽ, bền vững. Việc sáp nhập sẽ cho phép quy hoạch đồng bộ hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp; hình thành các hành lang kinh tế xuyên suốt từ miền núi, đồng bằng tới ven biển, khai thác hiệu quả tiềm năng giao thương, du lịch và logistics liên vùng.

tong-23625.jpgCác đại biểu tham dự buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư phân tích, cơ cấu kinh tế và năng lực sản xuất của mỗi địa phương có thế mạnh khác nhau, khi kết hợp sẽ tạo thành chuỗi giá trị hoàn chỉnh, bù đắp những mặt còn hạn chế. Ba tỉnh có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa dày đặc, nổi bật như Tràng An, Chùa Bái Đính, Nhà thờ Đá, Chùa Tam Chúc, Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự, Đền Trần, quần thể Phủ Dầy... Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh các sản phẩm văn hóa, du lịch, giáo dục bản địa, xây dựng thương hiệu vùng di sản sống, trở thành điểm đến hấp dẫn.

Tổng Bí thư đề nghị các địa phương nỗ lực cao trong công việc từ nay đến ngày 1/7/2025 và những tháng cuối năm, đặc biệt là hoàn tất việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp theo đúng tinh thần Nghị quyết số 60-NQ/TW và Kết luận số 150-KL/TW của Bộ Chính trị. Tổ chức bộ máy cần tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, vận hành thông suốt, bảo đảm một đầu mối xuyên suốt, giảm tầng nấc trung gian, tăng tính linh hoạt trong quản trị, tạo động lực đổi mới sáng tạo ở từng cấp.

Trong công tác cán bộ, Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý yêu cầu phải đoàn kết; nhấn mạnh đoàn kết là có tất cả, mất đoàn kết là mất hết. Phải lấy phẩm chất, năng lực, uy tín và hiệu quả công tác làm thước đo cao nhất; kiên quyết không để phát sinh tâm lý cục bộ địa phương, lợi ích nhóm, bè phái, chia rẽ nội bộ. Đồng thời, cần chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận có tư duy đổi mới, khả năng quản trị hiện đại, am hiểu mô hình chính quyền hai cấp, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tổng Bí thư yêu cầu tập trung xây dựng lại chiến lược phát triển kinh tế – xã hội tổng thể cho tỉnh Ninh Bình mới một cách bài bản, khoa học, mang tầm nhìn dài hạn. Trên cơ sở rà soát toàn diện không gian kinh tế, dân cư, đô thị, ngành nghề, cần xây dựng quy hoạch tổng thể phù hợp với thế mạnh từng vùng, bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả. Phát triển phải hài hòa, không đánh đổi môi trường, văn hóa, an sinh xã hội để lấy tăng trưởng đơn thuần; phải gìn giữ bản sắc, bảo vệ sinh thái, sử dụng tài nguyên hiệu quả.

Tổng Bí thư chỉ đạo triển khai đồng bộ các đột phá chiến lược phát triển gắn với tinh thần các nghị quyết lớn của Trung ương, xây dựng hệ thống pháp luật, quy hoạch đồng bộ, ổn định, minh bạch; thúc đẩy khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã kiểu mới trong chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, dịch vụ sáng tạo; đầu tư toàn diện cho giáo dục, y tế, văn hóa; bảo tồn di sản văn hóa, phát triển mạnh công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí và kinh tế di sản, không gian đô thị – nông thôn – sinh thái bền vững.

3(6).jpgTổng Bí thư Tô Lâm phát biểu. Ảnh: TTXVN

Khẳng định Đại hội Đảng bộ tỉnh mới không chỉ là sự kiện chính trị trọng đại mà còn là dấu mốc khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới, Tổng Bí thư yêu cầu chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, định hướng chính trị. Quá trình chuẩn bị phải bài bản, nghiêm túc, dựa trên tổng kết sâu sắc thực tiễn, phân tích đầy đủ đặc điểm mới, yêu cầu từ hội nhập, chuyển đổi số, phát triển xanh và bền vững; trên cơ sở đó xây dựng tầm nhìn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII và Dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Mục tiêu là kiến tạo một không gian phát triển hiện đại, năng động, trong đó Ninh Bình giữ vai trò trung tâm, từng bước trở thành tỉnh công nghiệp – dịch vụ phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh, thông minh, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, mang bản sắc một trung tâm di sản quốc gia.

Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội trong suốt quá trình sáp nhập và vận hành bộ máy mới. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giải thích chính sách rõ ràng, thuyết phục, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, nơi dễ bị tác động bởi tâm lý thay đổi.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Hà Nam – Ninh Bình – Nam Định là vùng đất địa linh nhân kiệt, văn hiến với lịch sử phát triển lâu đời. Đây không chỉ là không gian của lịch sử và văn hóa Sông Hồng rực rỡ, mà còn là vùng đất giàu tiềm năng, bản lĩnh và cơ hội cất cánh trong thời đại mới.