Soi mình trong tấm gương Bác Hồ

Admin

135 năm đã trôi qua kể từ ngày Bác Hồ ra đời (19/5/1890 – 19/5/2025), người Việt Nam vẫn đang không ngừng học Bác. Học không phải để thành vĩ nhân, mà để làm người tử tế, để biết phụng sự, biết giữ mình trong sạch giữa một đời sống nhiều cám dỗ.

Một con người không có gì cho riêng mình

bac-ho-3.jpgHình ảnh Bác Hồ thăm và nói chuyện với các cháu thiếu niên nhi đồng - Ảnh: Tư liệu

Trong vô vàn bài học đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, có lẽ bài học sâu sắc nhất là sự vô ngã của một con người “không có gì cho riêng mình”.

Ngay từ những ngày đầu độc lập, Bác Hồ đã nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Một câu nói mộc mạc, mà chứa đựng cả lý tưởng cách mạng, triết lý nhân sinh, và khát vọng an dân.

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” (18/5/2025), nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc - Người đã hiến dâng trọn đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Năm nay, kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Người càng thêm ý nghĩa sâu sắc, nhắc nhở chúng ta về công lao trời biển của Bác đối với dân tộc...”.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Ở Bác, tư tưởng và đạo đức hòa quyện trong một phong cách sống khiêm nhường, thanh bạch mà cao thượng. Chính bởi đức hạnh ấy, Hồ Chí Minh không chỉ là danh nhân văn hóa thế giới, mà còn là tấm gương sống động và cụ thể để người Việt hôm nay soi mình.

Đó là giá trị sống, là chuẩn mực hành xử, là cách người Việt tự soi mình, sửa mình trong đời sống hàng ngày và trong hành trình dựng xây đất nước.

Ngày nay, khi đất nước không còn chiến tranh, khi đời sống vật chất đã khấm khá hơn, thì tấm gương sống không màng danh lợi, không sở hữu riêng gì cho mình ngoài tình yêu nước, thương dân ấy vẫn là một câu hỏi lớn với mỗi người: ta đang sống như thế nào, đã đủ tử tế, đủ trách nhiệm, đủ vì người khác chưa?

Bởi nếu chỉ học thuộc những lời của Bác, mà không sống theo tinh thần ấy - từ sự liêm chính, cần kiệm, đến lòng vị tha - thì ta đang ngày càng rời xa Người.

Từ cán bộ đến người dân, ai cũng có phần soi mình

Không ít người từng nghĩ học Bác là chuyện của cán bộ, đảng viên. Nhưng thực ra, đạo đức Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần chung của toàn dân tộc, dành cho bất cứ ai biết sống lương thiện và tử tế với cộng đồng.

“Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” - đó không chỉ là chuẩn mực của người làm quan, mà là phương châm sống của bất kỳ ai muốn giữ nhân cách giữa đời thường.

Với y bác sĩ, đó là giữ trọn y đức, không vì tiền mà ngoảnh mặt trước bệnh nhân nghèo.

Với giáo viên, đó là tận tụy vì học trò, không nản lòng trước đồng lương eo hẹp.

Với chiến sĩ công an, bộ đội, đó là giữ nghiêm kỷ luật, không lạm quyền, không quên rằng 'thanh bảo kiếm' ấy là để bảo vệ dân.

Với người lao động, đó là siêng năng, trung thực, không gian dối, không phung phí sức mình hay của chung.

Với học sinh, sinh viên, đó là sống có lý tưởng, không chạy theo hưởng thụ, không thờ ơ với vận mệnh nước nhà.

Trong Di chúc năm 1969, cuối phần nói về Đảng, Bác căn dặn: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Đó là di chúc chính trị, cũng là di chúc về đạo đức. Nó không chỉ là lời nhắc nhở với đội ngũ cầm quyền, mà là thước đo đạo đức công vụ trong toàn bộ bộ máy hôm nay: không một ai có thể “ngồi mát ăn bát vàng” nếu đánh mất lòng dân.

31-08-2024-nho-loi-can-dan-ve-xay-dung-dang-trong-di-chuc-cua-bac-ho-9c9474bb-details.jpgChủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và tham gia tát nước chống hạn cùng nông dân xã Đại Thanh, Hà Đông (nay là Hà Nội), ngày 12/1/1958 - Ảnh: TTXVN

Học Bác từ những điều nhỏ nhất

Trong hàng ngàn câu chuyện về Bác, người ta luôn nhấn mạnh đến sự giản dị và tấm lòng yêu thương vô bờ của Bác với mỗi người dân -từ em nhỏ đến công nhân, người lính, nông dân.

Một buổi chiều năm 1958, Bác đến thăm khu tập thể Nhà máy Cơ khí Hà Nội. Trời vừa mưa, lối vào lầy lội. Thấy vậy, một cán bộ nhà máy vội lấy tấm ván lót cho Bác đi. Bác xua tay, xắn quần, bước xuống nước lội cùng công nhân, rồi dừng lại nói: “Không phải bắc ván chỉ cốt để Bác đi, mà phải làm sao đường sá sạch sẽ để anh chị em công nhân đi làm về không phải lội bùn”.

Lời nói tưởng đơn sơ mà gửi gắm cả một quan điểm: lãnh đạo không phải là người được ưu tiên, mà là người phải nghĩ và làm trước cho dân.

Cuối năm 1961, trong chuyến về quê Nghệ An, Bác đứng giữa nắng nói chuyện với dân. Một đồng chí định che ô cho Bác. Bác liền hỏi: “Chú có đủ ô che cho tất cả đồng bào không? Thôi cất đi, Bác có phải là vua đâu!”.

Một lời nhắc, nhưng cũng là lời cảnh tỉnh: đừng để quyền lực tạo nên khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân dân.

Đừng để những điều giản dị ấy trở thành điều xa xỉ hôm nay

Giữa một thời đại nhiều biến động, khi thế giới vật chất lên ngôi, khi công nghệ len lỏi vào từng ngóc ngách đời sống, lời Bác vẫn sáng như ngọn hải đăng. Nhưng nếu chỉ để ngợi ca, mà không học, không làm theo, thì những điều giản dị ấy sẽ hóa thành hoài niệm.
Và đó là điều nguy hiểm nhất: đánh mất một giá trị tinh thần cốt lõi – nền móng đạo đức của quốc gia.

Sự thật là: một dân tộc không thể đi xa chỉ bằng tăng trưởng kinh tế. Phải có một hệ giá trị chung để giữ lòng người, để gắn kết cộng đồng. Trong đó, tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh là trụ cột cho một Nhà nước liêm chính, một xã hội nhân văn, và một nền công vụ vì dân.

Vì thế, đừng để việc “yêu nước” chỉ còn trong sách vở, “học Bác” chỉ là chuyện phong trào, “gần dân” chỉ là những chuyến về cơ sở được lên hình.

Mỗi người, từ học sinh đến công chức, từ nông dân đến lãnh đạo, đều có thể soi mình vào Bác để sống chân thành hơn, tử tế hơn, và cống hiến nhiều hơn.

Bởi giá trị Hồ Chí Minh, suy cho cùng, không phải để ngợi ca, mà để noi theo.

Mà noi theo không bằng lời nói, mà bằng hành động. Không bằng khẩu hiệu, mà bằng chính sự thay đổi nhỏ nhất trong mỗi ngày sống của chúng ta.

Kỷ niệm sinh nhật Bác, không chỉ là dịp để nhắc nhớ, mà để khởi sự – khởi sự một đời sống có trách nhiệm, một cách sống vì cộng đồng, và một hành trình không bao giờ lạc hướng giữa những ngã rẽ của thời đại.

135 năm, thời gian đủ dài để chiêm nghiệm. Nhưng cũng đủ ngắn để hiểu rằng: có những giá trị, như giá trị Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi không là chuyện của quá khứ.

Đó là ánh sáng dẫn đường cho hôm nay. Và là la bàn để các thế hệ mai sau quyết tâm thực hiện những mục tiêu, khát vọng lớn, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển hùng cường.