Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Văn Rón; Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cùng các thành viên Tổ công tác 2089. Về phía địa phương, có Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa và Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, hai tỉnh đã nghiêm túc quán triệt, triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương 11, các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và văn bản hướng dẫn của Trung ương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên và Thái Bình đã thành lập ban chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiệm vụ hợp nhất hai tỉnh, xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy. Hiện tại, 100% đề án, phương án sắp xếp bộ máy (tương đương 37 đề án/phương án) đã hoàn thiện, sẵn sàng trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên (mới) sau khi Bộ Chính trị quyết định thành lập và chỉ định nhân sự.
Các đề án sáp nhập tỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đều đã được lấy ý kiến cử tri và đạt kết quả tốt. Dự kiến, sau khi sáp nhập, số đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm mạnh: Hưng Yên giảm 71,94%, Thái Bình giảm 73,2%. Hiện các đề án đã được Chính phủ trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh cũng đã phối hợp hoàn thiện đề án chấm dứt hoạt động của Đảng bộ Hưng Yên (cũ) và Thái Bình, chuẩn bị thành lập Đảng bộ Hưng Yên (mới); xây dựng mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của chính quyền hai cấp; sẵn sàng phương án sử dụng cơ sở vật chất, trụ sở, thiết bị làm việc hiệu quả, hạn chế tối đa việc chuyển đổi địa điểm gây xáo trộn hoạt động.
Tỉnh ủy Hưng Yên và Thái Bình đã chỉ đạo tổ chức hội nghị thống nhất nội dung văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh mới, xây dựng dự thảo Báo cáo Chính trị nhiệm kỳ 2025–2030 trên cơ sở kế thừa hợp lý từ hai tỉnh cũ, cập nhật tư tưởng chỉ đạo mới trong dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng và bám sát thực tiễn địa phương sau hợp nhất. Công tác xây dựng phương án nhân sự cũng đang được rà soát, góp ý, thống nhất.
Đại diện hai tỉnh kiến nghị Trung ương sớm phê duyệt đề án tổ chức đảng theo ngành dọc, ban hành quy định chính thức về chức năng, nhiệm vụ, biên chế và vị trí việc làm các cơ quan tham mưu cấp xã mới, cùng chế độ tiền lương, phụ cấp cán bộ công chức cấp xã; đề nghị sớm hướng dẫn cụ thể việc sắp xếp tổ chức lực lượng dân quân, Ban Chỉ huy quân sự sau sáp nhập.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Lương Cường biểu dương tinh thần chủ động, nghiêm túc, phối hợp chặt chẽ giữa Hưng Yên và Thái Bình trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 11, công tác chuẩn bị hợp nhất tỉnh và tổ chức bộ máy. Chủ tịch nước khẳng định, đây không chỉ là sáp nhập hành chính mà là bước đi chiến lược, nếu thực hiện hiệu quả sẽ tạo ra một đơn vị hành chính cấp tỉnh mạnh hơn, có sức cạnh tranh trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Chủ tịch nước yêu cầu Tỉnh ủy hai tỉnh tiếp tục bám sát chỉ đạo Trung ương, thực hiện đúng kế hoạch, bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân. Việc sắp xếp cán bộ phải công khai, minh bạch, bố trí đúng người, đúng việc, giữ vững nguyên tắc, hài hòa giữa hai địa phương, không để vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Đồng thời, quá trình kiện toàn cán bộ, tổ chức bộ máy phải bảo đảm hoạt động thường xuyên, không gián đoạn, không ảnh hưởng đến hoạt động của Đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp.
Liên quan công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp theo Chỉ thị 45, Chủ tịch nước yêu cầu nâng cao chất lượng văn kiện, chú trọng bổ sung các điểm mới của Trung ương, thể hiện rõ trí tuệ, ý chí và khát vọng phát triển của tỉnh hợp nhất. Về nhân sự, cần đặc biệt coi trọng tiêu chuẩn cán bộ, tiêu chuẩn cấp ủy viên, không vì cơ cấu mà xem nhẹ chất lượng.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết Trung ương 11; quản lý chặt chẽ tài chính, tài sản công, tránh thất thoát, tiêu cực trong quá trình sắp xếp bộ máy. Các đề xuất, kiến nghị của địa phương được giao Tổ công tác tiếp thu, chuyển cơ quan Trung ương xử lý theo thẩm quyền.
Bày tỏ tin tưởng vào quyết tâm chính trị cao của hai địa phương, Chủ tịch nước kỳ vọng đơn vị hành chính mới sau hợp nhất sẽ trở thành điểm sáng phát triển trong cả nước, mang tinh thần "đổi mới - dám nghĩ - dám làm - dám chịu trách nhiệm".
Link nội dung: https://www.danhgiaplus.vn/hop-nhat-hung-yen-thai-binh-la-buoc-di-chien-luoc-khong-chi-la-sap-xep-hanh-chinh-a32109.html