Tại lễ khai trương tuyến buýt điện số 43 do Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus vận hành vào ngày hôm qua (5/6), Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết thành phố đang xây dựng lộ trình chuyển đổi toàn diện các phương tiện giao thông sang sử dụng năng lượng sạch.
Trong bối cảnh ùn tắc và ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, Hà Nội xác định việc thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng điện và năng lượng tái tạo là bước đi tất yếu nhằm hướng tới một đô thị xanh – sạch – hiện đại.
Theo Kế hoạch số 149 ban hành ngày 28/5, chậm nhất đến năm 2030, toàn bộ gần 2.500 xe buýt trên địa bàn sẽ được chuyển đổi sang sử dụng điện hoặc năng lượng xanh.
.png)
Phó chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền thừa nhận đây là mục tiêu “đầy thách thức”. Tuy nhiên, với sự tham gia của các doanh nghiệp như VinBus, Tổng công ty Vận tải Hà Nội và Công ty CP Xe điện, quá trình chuyển đổi đang dần được thúc đẩy. Tính đến nay, Hà Nội đã đạt mục tiêu giai đoạn 2026 khi tỷ lệ xe buýt xanh đã chiếm từ 20-23%.
Bên cạnh xe buýt, thành phố cũng đã giao Sở Xây dựng phối hợp với các doanh nghiệp và người dân để xây dựng lộ trình chuyển đổi taxi, xe công nghệ và phương tiện cá nhân. Dù chưa có kế hoạch cụ thể, mục tiêu là từng bước tăng tỷ lệ sử dụng phương tiện năng lượng xanh sau năm 2030.

Về chính sách hỗ trợ, Hà Nội đang làm việc với các doanh nghiệp để đưa ra các giải pháp ưu đãi như miễn giảm phí trước bạ hoặc hỗ trợ chi phí gắn biển số. Đồng thời, thành phố cũng xem xét sửa đổi Nghị quyết 07/2019 của HĐND nhằm tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phương tiện xanh và hệ thống hạ tầng trạm sạc đồng bộ.
Hiện toàn thành phố có khoảng 1,1 triệu ôtô, 6,9 triệu xe máy và 1,2 triệu phương tiện từ các địa phương khác tham gia lưu thông. Với quy mô lớn như vậy, quá trình chuyển đổi được đánh giá là phức tạp, nhưng cần thiết để đảm bảo phát triển bền vững.