1. Mỗi khi dư luận phẫn nộ trước một vụ việc "chặt chém" khách hàng, người ta lại gọi đó là “giọt nước tràn ly”. Nhưng kỳ thực, cái ly ấy đã đầy tràn từ lâu, chỉ là chúng ta đã quen với nó, đã coi đó như chuyện bình thường trong đời sống đô thị hay những nơi đông khách. Câu chuyện của chị Cư Mủa và cháu trai, hai người dân tộc thiểu số bị cưỡng đoạt 4,2 triệu đồng cho một cuốc taxi từ Mỹ Đình đến Nội Bài, không phải là cá biệt. Đó chỉ là một mảnh vỡ vừa kịp lóe lên giữa vô vàn vụ việc bị vùi lấp trong lặng thinh, hay tệ hơn, bị xem là “thôi, có gì đâu mà ầm ĩ”.
.jpg)
Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, những thành phố du lịch được quảng bá là điểm đến văn minh, hiếu khách, vẫn không thoát khỏi những “điểm đen” dịch vụ: từ quán ăn không niêm yết giá, chợ truyền thống “hét giá trên trời” cho khách lạ, đến những bữa cơm đơn giản bỗng hóa hóa đơn bạc triệu khi rơi vào tay những kẻ quen tay với việc “móc túi bằng nụ cười”.
Người Việt đã quen với những “giai thoại cay đắng” kiểu như: bát phở giá 250.000 đồng cho khách phương xa, bữa cơm 3 người hết 1,8 triệu đồng vì gọi thêm mấy con tôm, cuốc xe 5 phút giá 500.000 đồng vì khách... không mặc cả trước. Những câu chuyện như vậy vẫn được kể, chia sẻ, bàn tán, rồi quên đi. Nhưng sự chai lì đó, sự chấp nhận thụ động những bất công vụn vặt, mới thực sự đáng sợ.
Điều đau lòng không chỉ là số tiền bị lấy đi, mà là cách mà nó bị lấy. Khi người ta cố tình “mồi chài”, gài bẫy những người lần đầu tới thành phố, không quen đường xá, không biết luật ngầm; khi người phục vụ đưa thực đơn không ghi giá, để rồi chốt hóa đơn khiến khách không kịp trở tay; khi người lái xe hét giá giữa đường, biết rõ rằng hành khách sẽ không dám cãi vì sợ phiền phức, sợ bị đe dọa, thì đó không còn là buôn bán, đó là cưỡng đoạt.
Chặt chém không phải là hành vi lẻ tẻ, nó là một biểu hiện rõ rệt của sự tha hóa đạo đức trong giao tiếp thương mại. Nó phản ánh một căn bệnh nặng: coi khách hàng là con mồi, coi sự ngây thơ, quê mùa, ít hiểu biết của người khác là cơ hội để trục lợi. Nó cho thấy một bộ phận không nhỏ trong xã hội đã quen sống bằng những “đồng tiền bẩn”.
2. Vụ việc của chị Cư Mủa, dù đã có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, dù kẻ xấu đã bị bắt, thì cũng chỉ là một vụ được phát hiện nhờ may mắn. Vậy còn bao nhiêu người âm thầm bị lừa mỗi ngày mà không dám tố cáo? Bao nhiêu “người khách vác bao tải” bị xua đuổi, bị coi thường, bị lột sạch túi tiền chỉ vì họ không biết luật chơi giữa phố thị? Bao nhiêu người đi xe ôm bị vẽ đường, bao nhiêu khách du lịch ăn hải sản bị "vẽ hóa đơn", rồi đành lẳng lặng trả tiền vì "sợ làm to chuyện"?
Cần nói thật: những "cuộc xử lý nghiêm khắc", những "vụ xử điểm" mà báo chí đăng tải vẫn chưa đủ sức răn đe. Lòng tham sẽ không sợ sự trừng trị của pháp luật nếu sự trừng trị ấy không đủ mạnh, không đủ sâu và không đi tới tận gốc của vấn đề. Không chỉ cần những cuộc truy quét, cần cả một môi trường thương mại văn minh, nơi người bán hiểu rằng danh dự của mình gắn liền với mỗi đồng tiền kiếm được.
Có một điều tưởng đơn giản mà rất khó: hãy để người lạ, đặc biệt là người nghèo, người dân tộc thiểu số, người từ vùng sâu vùng xa, được đối xử như những vị khách thực sự. Không ai sinh ra để trở thành con mồi cho những cái bẫy từ người cùng đồng bào với mình. Không ai xứng đáng phải trả “học phí xã hội” chỉ vì họ ít chữ hơn, ít kinh nghiệm hơn, ít va vấp hơn.
.jpg)
Khi một xã hội bắt đầu phân biệt cách đối xử giữa “người quen” và “người lạ”, giữa “người thành phố” và “người từ quê lên”, thì đó là khi lòng tin bắt đầu rạn vỡ. Mỗi một đồng tiền kiếm được từ sự sợ hãi, lạc lõng, hay ngây thơ của người khác là một đồng tiền bẩn. Và cái bẩn đó không chỉ ám lên kẻ lấy tiền, mà còn vấy lên cả hình ảnh thành phố, quê hương, và dân tộc.
Và cuối cùng, hãy nhớ: người phụ nữ tên Cư Mủa ấy, lần đầu tiên rời núi rừng xuống Thủ đô, không để đi chơi, không để buôn bán, mà để tìm đường cứu con. Con gái chị nghỉ học vì mắc bệnh tim, là lý do khiến chị dốc hết vốn liếng, vay mượn khắp nơi để đưa cháu đi chữa trị. Và rồi giữa lòng Hà Nội, chị bị lột sạch túi, không phải bởi những kẻ cướp, mà bởi những người tưởng là sẽ giúp mình lên đường về quê. Đồng tiền họ chiếm đoạt không chỉ là mồ hôi, nước mắt mà là niềm tin cuối cùng mà một người mẹ nghèo dành cho cuộc đời của con gái.
3. Không thể có một xã hội tử tế, khi những người nghèo nhất lại là nạn nhân dễ bị tổn thương nhất. Không thể có một thành phố văn minh, nếu mỗi người lạ đặt chân đến lại bị xem là "con mồi".
Người Việt vốn có truyền thống hiếu khách. Nhưng truyền thống đó đang bị xói mòn bởi sự dễ dãi với cái sai và thái độ làm ngơ trước cái ác nhỏ. Đã đến lúc cần gọi tên và quyết liệt loại trừ “văn hóa chặt chém” khỏi đời sống, bằng pháp luật, bằng giáo dục, và bằng sự lên tiếng không ngừng nghỉ của người tử tế.
Vì nếu không, lòng tham sẽ còn được nuông chiều. Và những đồng tiền bẩn - dù nhỏ bé - sẽ tiếp tục làm hoen ố những gì tốt đẹp nhất mà người Việt từng tự hào.
Hãy bắt đầu bằng việc dừng lại, đừng “chặt chém” người khác chỉ vì họ yếu thế. Hãy làm ăn bằng những đồng tiền sạch. Vì nếu để những đồng tiền bẩn tồn tại quá lâu, thì sự bẩn thỉu không còn ở trong ví, mà sẽ ngấm vào lương tâm.