Chuyên gia ủng hộ giao dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam cho tư nhân thực hiện

Admin

“Siêu dự án” đường sắt cao tốc Bắc – Nam một lần nữa được hâm nóng khi hai “ông lớn” tư nhân là THACO và VinSpeed cùng bày tỏ tham vọng tham gia. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy khu vực tư nhân Việt Nam đã trưởng thành và sẵn sàng dấn thân vào các công trình hạ tầng trọng điểm, vốn trước nay vẫn do Nhà nước “giữ trọn vai”.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, cần nhiều hơn là khát vọng: cơ chế, tiêu chí và cách chọn “người thực việc thực” đang trở thành tâm điểm bàn luận.

tau-cao-toc.jpgChuyên gia ủng hộ giao dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam cho tư nhân thực hiện. (Ảnh minh họa/CD)

Liên quan về vấn đề này, GS.TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Việc giao những dự án trọng điểm quốc gia như dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam cho Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân phải dựa trên một số nguyên lý nhất định.

Trong đó, dù giao cho ai, Nhà nước vẫn phải nắm giữ và kiểm soát các vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, như về tài chính, Ngân hàng Nhà nước giữ vai trò chủ chốt liên quan đến nguồn vốn hay mở cửa để cho doanh nghiệp tư nhân tự huy động.

“Tôi cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước không nắm giữ và điều phối thì làm sao trong bối cảnh vừa qua tài chính có thể ổn định”, ông Cường nói.

Ngoài ra, Nhà nước cần hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân tham gia phát triển các loại hình dự án khác như các tuyến BRT, công viên cây xanh…

Vì doanh nghiệp tư nhân làm được hiệu quả hơn, không phải chỉ cho doanh nghiệp mà đem lại lợi ích cho xã hội.

Dựa trên nguyên lý này, tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam khi xây dựng phải giải quyết bài toán kết nối các vùng miền, giải quyết được nút thắt logistics, theo đó khối tư nhân hay Nhà nước đầu tư thì cũng phải đạt được mục tiêu kết nối.

GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, nếu giao cho doanh nghiệp tư nhân, đây không phải là tài sản tư, doanh nghiệp được toàn quyền khai thác kinh doanh nhưng quyền định đoạt quản lý là ở phía Nhà nước.

Với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Cường ủng hộ nên giao cho các doanh nghiệp tư nhân bởi khả năng khai thác cũng như lan tỏa tới các ngành nghề, lĩnh vực khác. Đặc biệt là ưu tiên cho các doanh nghiệp có khả năng tuân thủ được các điều kiện, làm chủ được công nghệ, chuyển giao công nghệ…

Tuy nhiên, để làm chủ toàn bộ dự án quy mô lớn này là rất khó khăn với một doanh nghiệp đơn lẻ bởi mỗi doanh nghiệp có thế mạnh riêng. Vì vậy, cần có cơ chế hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp để tạo nên sức mạnh tổng hợp, từ đó khơi dậy nguồn lực kinh tế tư nhân phát triển các dự án trọng điểm. “Khâu yếu nhất của kinh tế tư nhân Việt Nam hiện nay chính là thiếu sự liên kết, bắt tay nhau để tạo sức mạnh tổng hợp,” ông Cường nhận định.

“Bởi thực tế khâu yếu nhất của kinh tế tư nhân Việt Nam chính là thiếu sự liên kết, bắt tay với nhau để tạo ra được sức mạnh tổng hợp”, ông Cường nói.

GS.TS Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam có quan điểm, đối với dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, khi chủ trương được thông qua đã nhận được nhiều sự quan tâm. Dù biết vẫn còn những quan ngại, song, điều này không phải không thể vượt qua.

Tuy nhiên, để giao dự án này cho tư nhân thực hiện, ông Hạnh cho rằng, điều quan trọng hiện tại là cần rà soát, sửa đổi đồng bộ hệ thống pháp luật từ Luật PPP, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu… mới có thể tạo ra nền tảng thể chế vững chắc để doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án trọng điểm quốc gia.