Công suất gần 17 triệu tấn mỗi năm, nhưng lợi nhuận chưa nổi 30 tỷ: Lỗ hổng nào trong “đế chế xi măng”?
Được đánh giá là một trong những doanh nghiệp xi măng tư nhân có quy mô lớn nhất Việt Nam, Xi măng Xuân Thành đang vận hành hệ thống nhà máy trải dài cả ba miền, với tổng công suất công bố gần 17 triệu tấn mỗi năm.
Tuy nhiên, hiệu quả tài chính mà doanh nghiệp này tạo ra lại gây nhiều bất ngờ khi lợi nhuận sau thuế năm 2024 chỉ vỏn vẹn 26 tỷ đồng. Đây là con số khó hình dung so với quy mô đầu tư khổng lồ.
Theo giới thiệu từ doanh nghiệp, Xi măng Xuân Thành hiện đang sở hữu hệ thống 5 nhà máy và trạm phân phối, với tổng công suất đạt khoảng 16,8 triệu tấn xi măng/năm, mục tiêu nâng lên 30 triệu tấn vào năm 2030.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo Nhà báo & Công luận thì từ báo cáo tài chính lại cho thấy một bức tranh khác. Năm 2024, Xi măng Xuân Thành chỉ ghi nhận 26 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, dù đã cải thiện so với mức lãi 12 tỷ đồng năm 2023 và khoản lỗ 29 tỷ đồng năm 2022.
Biên lợi nhuận quá mỏng so với quy mô đầu tư khiến nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về hiệu quả vận hành thực tế của “ông lớn” kín tiếng này. Nhất là tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) chỉ đạt 0,12%, còn tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cũng chỉ ở mức 0,36% thấp hơn mặt bằng trung bình ngành vật liệu xây dựng.
Hệ số nợ gấp đôi vốn chủ: Một “đế chế xi măng” đang vận hành trên đòn bẩy?
Tính đến cuối năm 2024, tổng nợ phải trả của Xi măng Xuân Thành chiếm gần 14.000 tỷ đồng – tương đương gấp đôi vốn chủ sở hữu (7.044 tỷ đồng). Riêng nợ vay ngân hàng vượt 10.600 tỷ đồng, cộng thêm hơn 2.000 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành.

Hai lô trái phiếu này được phát hành từ năm 2021, kỳ hạn 15 năm, đáo hạn năm 2036 với tổng giá trị hơn 2.140 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo và được bảo lãnh thanh toán. Lãi suất áp dụng cho 4 kỳ đầu là 10,5%/năm, thuộc nhóm cao trong ngành vào thời điểm đó.
Khoản tiền thu được dùng để đầu tư xây dựng và lắp đặt dây chuyền sản xuất clinker giai đoạn 1 của dây chuyền số 3 – Nhà máy Xi măng Xuân Thành, công suất thiết kế 4,5 triệu tấn/năm.
Đặc biệt, trong năm 2021, ba cổ đông lớn gồm ông Nguyễn Xuân Thủy (Chủ tịch HĐQT), bà Tống Thị Kiều Hoa và ông Nguyễn Đức Hạnh (em trai ông Thủy) đã thế chấp tổng cộng gần 19% cổ phần tại Xi măng Xuân Thành.
Một nút vận hành trong hệ sinh thái kín tiếng của gia tộc của "Bầu Thuỵ"?
Xi măng Xuân Thành do ông Nguyễn Xuân Thủy (SN 1988) làm Chủ tịch HĐQT – là con trai thứ ba của ông Nguyễn Xuân Thành, người sáng lập nhóm Xuân Thành Group. Hai người anh của ông Thủy là ông Nguyễn Văn Thiện – Chủ tịch Xuân Thiện Group, và ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) thường được biết đến với hệ sinh thái Thaiholdings, đều đang điều hành các pháp nhân đầu não trong hệ sinh thái.
Cấu trúc sở hữu cổ phần trong Xi măng Xuân Thành phần lớn nằm trong tay các cá nhân cùng gia đình. Từ sau năm 2019, mọi thông tin chi tiết của Xi măng Xuân Thành về cơ cấu cổ đông, thay đổi tỷ lệ sở hữu hay liên kết nhóm không còn được công bố công khai, mặc dù doanh nghiệp vẫn huy động vốn từ ngân hàng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Cùng với việc sở hữu nhiều nhà máy, tham vọng mở rộng công suất toàn quốc và cấu trúc tài chính phức tạp, Xi măng Xuân Thành đang hiện lên như một mắt xích trung tâm trong mô hình tích hợp giữa sản xuất vật liệu – điều phối vốn – đầu tư hạ tầng.
Điều gì đang diễn ra phía sau một doanh nghiệp xi măng lãi thấp – nợ cao – công suất lớn và sở hữu đậm dấu ấn gia đình? Báo Nhà báo & Công luận sẽ bóc tách từng mắt xích trong hệ sinh thái xoay quanh Xi măng Xuân Thành, từ Thaigroup, Thaiholdings, đến dòng vốn từ ngân hàng và các thương vụ tài trợ hạ tầng kín tiếng.